1. Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch.
Ở người bình thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng 1-3 giờ sáng khi ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8 – 10 giờ sáng. Khi vận động, gắng sức thể lực, căng thẳng thần kinh hoặc khi xúc động mạnh đều có thể làm huyết áp tăng lên. Và ngược lại, khi cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể hạ xuống.
Khi bị lạnh gây co mạch, hoặc dùng một số thuốc co mạch hoặc thuốc co bóp cơ tim, ăn mặn có thể làm huyết áp tăng lên. Ở môi trường nóng, ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy… hoặc dùng thuốc giãn mạch có thể gây hạ huyết áp.
2. Đơn vị đo huyết áp là gì?
Huyết áp được đo bằng đơn vị mi-li-mét thủy ngân (mmHg), được xác định bằng hai chỉ số, thường được viết dưới dạng một tỷ số.
3. Huyết áp tâm thu là gì?
Huyết áp tâm thu hay còn gọi là huyết áp tối đa, đây là mức huyết áp cao nhất trong trong mạch máu. Huyết áp tâm thu là áp lực của máu lên động mạch khi tim co (tim ở trạng thái co bóp). Biểu thị là chỉ số lớn hơn hay chỉ số ở trên trong kết quả đo huyết áp. Huyết áp tâm thu thường thay đổi tùy theo độ tuổi, thường từ 90 đến 140 mmHg.
4. Huyết áp tâm trương là gì?
Huyết áp tâm trương hay còn gọi là huyết áp tối thiểu, đây là mức huyết áp thấp nhất trong lòng mạch máu xảy ra giữa các lần tim co bóp. Huyết áp tâm trương là áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra (cơ tim được thả lỏng). Biểu thị là chỉ số nhỏ hơn hay chỉ số ở dưới trong kết quả đo huyết áp. Huyết áp tâm trương dao động trong khoảng từ 50 đến 90 mmHg.
5. Thế nào là huyết áp cao, huyết áp thấp?
Trên thực tế, cả 2 tình trạng huyết áp cao và huyết áp thấp đều gây nguy hiểm tới sức khỏe của người bệnh. Bất cứ ai trong số chúng ta cũng đều nên nắm rõ các chỉ số huyết áp để theo dõi huyết áp của mình nằm trong vùng nào để điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống cho phù hợp.
- Huyết áp bình thường: Đối với người trưởng thành, khi các chỉ số huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg thì được gọi là huyết áp bình thường.
- Huyết áp cao: Khi chỉ số huyết áp tâm thu lơn hơn 140 mmHG và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg thì được chẩn đoán là huyết áp cao.
- Tiền cao huyết áp là mức giá trị của các chỉ số huyết áp nằm giữa huyết áp bình thường và cao huyết áp (Huyết áp tâm thu từ 120-139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg).
- Huyết áp thấp: Hạ huyết áp (huyết áp thấp) được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hoặc giảm 25 mmHg so với bình thường.
Để kết luận một người bị tăng huyết áp hay không người ta cần căn cứ vào trị số huyết áp của nhiều ngày. Do đó phải đo huyết áp thường xuyên, nhiều lần trong ngày, theo dõi trong nhiều ngày. Phải đo huyết áp cả hai tay sau 5 phút nằm nghỉ và sau tối thiểu 1 phút ở tư thế đứng. Chỉ số huyết áp cao lên khi cơ thể vận động quá sức, tinh thần căng thẳng, lo âu hồi hộp. Và huyết áp có thể hạ xuống trong trường hợp bị tiêu chảy, mất sức, ra nhiều mồi hôi, dùng thuốc giãn mạch… Do đó chúng ta cần tìm hiểu lỹ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp.
Để lại một phản hồi